Cảnh giác với thực phẩm công nghiệp


Hiện nay, hàng loạt những thông tin về việc thực phẩm có hoá chất gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, đã cho ...

Hiện nay, hàng loạt những thông tin về việc thực phẩm có hoá chất gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, đã cho thấy sự nguy hiểm trong việc lạm dụng hoá chất. Thế nhưng vẫn có những thực phẩm công nghiệp được phép lưu hành mà vẫn có những tác hại về sức khoẻ không kém...


Nước ngọt công nghiệp:
    Đúng ra thì phải gọi là nước giải khát công nghiệp tức là loại thức uống đóng gói sẵn, dùng để giải khát mà  thành phần chủ yếu gồm nước, đường, hương liệu, chất bảo quản, chất phụ gia, một ít acid hữu cơ và có thể nạp thêm khí carbonic (CO2). Người tiêu thụ thường gọi là nước ngọt (Có nhãn hiệu dùng toàn phần hay một phần nước trái cây ép). Như thế ngoài nước ra, đường chủ yếu là đường hóa học thì nước ngọt đúng là  một hỗn hợp các hóa chất tổng hợp, là thứ mà ngay nay tại các nước phát triển, người ta đã hạn chế đến mức tối đa việc đưa vào sử dụng. Rõ ràng, nước ngọt không có chút bổ dưỡng nào, không hề cần thiết cho cơ thể. Do đó, đã có nhiều người – gần đây là báo Khoa học và Đời sống – đã lên tiếng cảnh báo về tính vô bổ của nước ngọt.
    Theo quan sát động thái hành vi của trẻ em nước ngoài, như trẻ em Mỹ là nhóm người tiêu thụ rất nhiều các loại nước ngọt, tôi nghĩ rằng nước ngọt là một trong những nguyên nhân gây ra tánh hiếu động nơi thanh thiếu niên Mỹ. Năm 2001, lúc sang Đức và Pháp để dạy Diện Chẩn, tôi nhận thấy các cháu mẫu giáo ở đó thường hay chảy máu cam, tôi tìm hiểu thì được biết các cháu hay uống nước ngọt như Coca, Pepsi thường xuyên (Vì trường học được mua với giá rẻ). Ở xứ lạnh mà uống loại nước gây nhiệt trong người, nhiệt không tỏa ra được vì bị các lỗ chân lông bế lại, nên tăng lên làm vỡ mạch máu gây chảy máu cam. Tôi đã bấm huyệt cầm máu ( Huyệt 16-61) cho một số cháu và khuyên bố mẹ các cháu không cho uống nước ngọt nữa, sau đó đã không còn tình trạng chảy máu cam. Bên cạnh đó, thói quen  dùng nước ngọt các loại để trong tủ lạnh, uống thay cho nước nấu chín, là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường và bệnh béo phì hiện nay ở đa phần thanh thêíu niên Âu Mỹ. Tình trạng này hiện nay cũng đã lan sang một số nước Á Châu như Phi luật Tân, Trung Quốc… là những nước cho phép mở ồ ạt các hiệu Fast Food như Mac Donald. Nước ngọt còn góp phần mạnh mẽ gây ra các bệnh tiểu gắt, tim mạch, trĩ, xuất huyết đường ruột, xuất huyết bao tử. Nên nhớ, ở một số nước nhiệt đới, có khí hậu nóng ẩm như nước ta, uống nhiều nước ngọt rất dễ bị bệnh đường ruột đến mức xuất huyết nội. Còn hiện tượng no giả, ăn ít đi sau khi uống nước ngọt là do chất đường. Ngoài ra, nó còn liên quan đến gan, hoạt động của gan bị xáo trộn khi ra sức phân hóa các hóa chất trong nước ngọt, nên gây chán ăn hay no giả, giống như trường hợp café sữa, càfé sữa đá… Cho nên nhiều người bị bệnh béo phì cứ thắc mắc tại sao mình ăn ít ( vì không thấy đói) mà vẫn cứ mập, không thể ốm đi được.\

    Vậy, đừng vì ảo tưởng vì giá rẻ, hợp vệ sinh  hay có quà khuyến mãi mà cứ uống nước ngọt thoải mái. Bệnh tật sẽ ùa đến theo tiếng khui nắp lon, nắp chai trong kiểu sống hưởng thụ đời mới đấy!
    Nước Tăng lực:
      Hiện nay, rất khó mà nhớ hết các nhãn hiệu nước tăng lực được quảng cáo, bày bán hay được làm quà khuyến mãi… Có vẻ như một kế hoạch to tát ( của ai?) muốn tập cho mọi người thói quen uống nước tăng lực. Trước một câu nói rất quen thuộc của các bạn trẻ khi vào quán nước là: “cho lon Bò húc đi” Tôi xin nói ngay là trong thành phần ghi trên vỏ lon, làm gì có chất nào giúp bạn tăng lực tức thì sau khi uống? Các nhà khoa học , bác sĩ cũng đã từng đặt câu hỏi này. Mà nếu có tăng thật, thì tăng như thế nào? cái giá phải trả để tăng lực ra sao ? Tuổi trẻ các bạn còn nhiều triển vọng, nhiều hứa hẹn lắm, phải cẩn trọng bảo vệ sức khỏe cho mình.
      Nước tăng lực của mỗi công ty có nhãn hiệu và công thức chế biến khác nhau, nhưng thành phần chính  vẫn là những chất: Taurin, cafein, inositol, Vitamin nhóm B, đường, màu và hương liệu. Ngoài ra, tuỳ nhà sản xuất, có thể cho thêm ít hương mật ong, sâm, lysin, cholin .v.v. Nhưng phần lớn, các chất chính của nước tăng lực đã có sẵn trong mô động vật, ngũ cốc, rau quả hay trong các thực phẩm như sữa, chocolate, khoai tây …Riêng về chất Taurin, một viện nghiên cứu ở  Đức đã cho biết, đến nay chưa có một bằng chứng nào cho thấy taurin có khả năng nâng cao sức lao động của con người. Các Vitamin nhóm B 12 có hiệu quả nâng cao thể lực nhưng phải có thời gian, chứ không phải uống vào là có tác dụng ngay, và nếu dư quá sẽ bị loại thải qua đường tiểu. riêng Vitamin B12 có trong một số nước tăng lực thì những ai bị bệnh tim mạch nên thận trọng. Về chất đường thì tệ hại hơn: Hàm lượng cao (40g/lon) rất dễ gây ra bệnh tiểu đường.
      Nhu vậy, gọi là có tác dụng tăng lực nhưng thật ra loại nước ngọt cộng nghiệp này chỉ có tác dụng kích thích giả tạo do chất caféin ( cũng có trong trà và café) Nhiều lắm là tạo ra một chút cảm giác sảng khoái, có thể cải thiện phần nào năng suất làm việc, và điều này thì trà và café cũng có tác dụng tương tự. Một đức cháu của tôi khi uống luôn 3 lon Bò húc, đã nghĩ rằng có thể tỉnh táo học bài thi. Hậu quả là sau khi học xong thì mất ngủ luôn, muốn học tiếp thì trong người nặng nề, tim đập nhanh và đến gần sáng thì bị tiêu chảy. Nếu cho lên bàn cân để tính lợi, hại thì cho thấy ngoài một chút bổ dưỡng nếu có ( nhờ mật ong, sâm…) thì nước tăng lực chẳng bù nổi do giá bán mắc và dễ gây ra bệnh tiểu đường, tim mạch.
      Còn một loại nước khác cũng gây ảo tưởng là nước yến. làm gì có nước dãi chim Yến trong đó? Mà chỉ là nước đường và hóa chất. Vậy mà biết bao nhiêu ngưòi đã mua làm quà biếu trong các dịp Lễ, Tết !
      Thức ăn nhanh:
        Nguồn gốc của thức ăn nhanh (fast food) là vào thập niên 1930 -1940, anh em nhà Mac Donald mở cửa tiệm thức ăn, đầu tiên là phục vụ cho những người lái xe, có thể ngồi ngay sau tay lái để ăn, hay vừa đi vừa ăn, nghĩa là giải quyết nhu cầu ăn uống nhanh gọn, không cần rời khỏi xe. Sau đó, Mac Donald cải tiến phương thức kinh doanh: Giảm hầu hết các món ăn cần phải dùng đến dao, muỗng, nĩa. Đồng thời áp dụng việc sản xuất dây chuyền trong công nghiệp vào việc nấu ăn, giúp cho tất cả các cửa hàng Mac Donald đều bán ra loại bánh mì kẹp thịt bằm( Hamburger) hoàn toàn giống nhau về trọng lượng, chất lượng, cách chế biến …và mau chóng chiếm lĩnh thị trường thực phẩm trong hầu hết các quốc gia trên thế giới.
        Gần đây tại Việt Nam, các cửa hàng thức ăn nhanh cũng phát triển nhanh chóng, chưa kể đến vô số các xe bán bánh mì…rồi nhiều người đã bắt đầu làm quen với những gói khoai tây chiên, gói bánh snack dòn dòn khi xem phim hay xem TV. Tất cả các thức ăn trên tuy giàu năng lượng ( nền là bột mì ) nhưng cũng quá nhiều chất béo, bột ngọt và các chất bảo quản ( hàn the, phẩm màu), và khi ăn nhanh thì người dùng thường cũng uống nhanh các loại nước ngọt công nghiệp khiến cho cái hại nhân đôi !
        Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì cho người Mỹ vốn thích thức ăn nhanh và sau đó là những người trẻ Việt Nam, ưa chuộng thức ăn công nghiệp, hợp mốt, sành điệu ! Mà đã béo phì thì dễ dính bệnh tim mạch, tiểu đường và không thọ. năm 1997 có dịp đến Manila ( Phi Luật Tân) Tôi thấy đa số các thiếu nữ và phụ nữ thường khá tròn trịa ! Phụ nữ Việt Nam thì đỡ hơn nhờ thực đơn hàng ngày của ta vốn cân đối các chất béo, đạm, rau củ quả… có một lý do nữa khiến các bà, các cô ngại mập vì như thế thì khó mà mặc áo dài cho đẹp được, vì thế cũng không dám mạnh miệng ăn uống thoải mái.
        Nhân đây, tôi không thể không nhắc đến món bánh ngọt, bánh kem các loại cũng được chế biến rất “công nghiệp”. Loại thực phẩm này đang thịnh hành theo sự phát triển của xã hội. Ngày nay, bánh ngọt, bánh kem là thứ không thể thiếu trong các buổi tiệc Sinh Nhật, cưới hỏi, mừng Tân gia … mà trẻ em là thành phần được thưởng thức nhiều nhất, có khi ăn no bỏ cả cơm. Thành phần chính của bánh ngọt cũng là các chất đường, chất béo với trứng nên cũng là một nguyên nhân gây béo phì. Số học sinh mẫu giáo, Tiểu học bị béo phì ngày một tăng, đây là cái họa mà các nước phát triển đang mắc phải và đau đầu vì không biết giải quyết ra sao, mà tại sao chúng ta không biết tránh ?
        Để kết luận cho bài viết về thức ăn, đồ uống thời mới này, tôi xin nói rõ là không hề có ý đụng chạm gì đến các công ty quốc tế như Coca Cola, Pepsi hay những công ty bánh ngọt đại gia như ĐP, KĐ…cũng như khi nói về bột ngọt, tôi cũng không hề có ý định công kích các tiệm phở, các quán ăn trong thành phố. Bản thân và gia đình tôi vẫn dùng các loại bánh ngọt, những món phở, nước ngọt… nhưng không thường xuyên, đó là nguyên tắc trong vệ sinh dinh dưỡng của chúng tôi để tránh bệnh tật. Đất nước ngày càng phát triển, xã hội phong phú hơn trong việc thụ hưởng là điều rất đáng mừng. Nhưng để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và giống nòi, chúng ta phải thận trọng khi sử dụng những loại thực phẩm được du nhập vào, tức không phải là những thức ăn truyền thống, rất quen thuộc, lành mạnh do ông bà truyền lại mà có thể an tâm sử dụng. Cũng đừng vì thói xu thời chuộng ngoại, vì bề ngoài hấp dẫn của bao bì, nhãn hiệu sang trọng, hay những thủ thuật quảng cáo mà lạm dụng với kiểu ăn uống lu bù, mất cảnh giác – Đó là những điều không thể thiếu trong phương pháp phòng bệnh bằng cách ăn uống đúng phép.
        GS.TSKH Bùi Quốc Châu


        Trung tâm Việt Y Đạo